Bạn có tin không, phần bã mía tưởng chừng như vô dụng kia lại được các bạn sinh viên nghiên cứu, biến chúng trở thành nguyên liệu để sản xuất ra những chiếc khẩu trang tự phân hủy.
Ý tưởng xuất phát từ đời sống thực tiễn
Trong nhiều lần cùng bạn ngồi uống nước mía ở quán gần trường, Phan Văn Thịnh – sinh viên năm 4 trường Đại học Duy Tân nhìn thấy rất nhiều bã mía được chất ở lề đường, chờ xe chở rác tới. Trong đầu cậu sinh viên này bỗng nảy ra ý nghĩ về cách tận dụng loại rác thải này sao cho hiệu quả nhất.
Vì học chuyên ngành về kinh tế nên không hiểu nhiều về các kiến thức sinh hóa, Thịnh đã tìm đến những người bạn ở Khoa điều dưỡng và bàn với họ về ý tưởng tái chế bã mía. Nhận thấy bã mía có thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên khoảng từ 30 – 60 ngày, nhóm nảy ý tưởng dùng bã mía làm thành khẩu trang, chúng sẽ dễ phân hủy hơn so với sản phẩm khẩu trang thông thường, góp phần giúp bảo vệ môi trường.
Thịnh chia sẻ: “Lúc đó nhóm cũng chưa biết sản phẩm làm ra có thành công hay không, chỉ biết cố gắng hết sức có thể”
Biến ý tưởng thành hiện thực
Tất cả mọi công đoạn liên quan đến xử lý và điều chế bã mía đều được thực hiện trong phòng thí nghiệm của trường – được nhóm mượn để sử dụng sau giờ học. Công đoạn cơ bản gồm:
- Bã mía được ngâm với nước, sau đó đun sôi với chất caustic soda để làm bục thành sợi nhỏ, thu được dung dịch trắng trong.
- Sau đó đem đi lọc để lấy phần bã dạng tinh.
- Tiếp tục được cán mỏng và sấy khô thành phần này.
- Kết quả thu được là một tấm vật liệu mỏng màu vàng cũ, không mùi.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, nhóm nhận ra, vì chứa thành phần cellulose nên lớp vật liệu này rất dễ thấm nước và hỏng. Sau một tháng tìm hiểu cùng sự hỗ trợ, tư vấn từ các thầy cô trong trường, nhóm đã tìm ra giải pháp bằng cách chế tạo lớp kitin mỏng từ vỏ tôm, vừa có khả năng chống nước, vừa kháng khuẩn. Lớp kitin này được quét lên lớp ngoài cùng của khẩu trang.
Thế nhưng, khó khăn lại đến khi qua vài lần thử nghiệm, nhóm nhận được kết quả, màng kitin không kết dính với vật liệu từ bã mía. Nếu khẩu trang mà không thể chống thấm nước thì sẽ xem như là thất bại. Thịnh chia sẻ: “Tìm hiểu nguyên nhân, chúng em biết rằng, vỏ tôm bước đầu cần được xay nhuyễn hơn nữa, lớp kitin mới tăng độ liên kết với vật liệu”. Nhờ đó, vấn đề cơ bản được giải quyết.
Ngoài lớp bọc bên ngoài, lớp thứ 2 của khẩu trang được trộn với than hoạt tính và nano bạc nhằm tăng độ che khít giúp kháng khuẩn kháng bụi. Hai lớp màng bảo vệ này có thể chặn các giọt bắn siêu nhỏ 3-5 micromet. Phía bên trong, nhóm sử dụng vật liệu nén thành xốp để dịu nhẹ, không gây kích ứng với bề mặt tiếp xúc.
Thịnh cho biết, nhóm đã gửi mẫu tới một số bệnh viện, trung tâm để kiểm tra và đánh giá độ an toàn của lớp vật liệu, và xin ý kiến chuyên gia. Được biết, trước đó, nhóm cũng đã đưa sản phẩm vào dùng thử bởi thầy cô và các bạn trong trường, được phản hồi dễ thở, không bị ngứa da.
Sản phẩm này có thể xem là sự ứng dụng khoa học thành công và cực kỳ thiết thực. Với giá thành khoảng 4.000đ/sản phẩm, nếu đủ điều kiện để tiêu thụ trên thị trường, khẩu trang từ bã mía chắc chắn sẽ được đón nhận đông đảo.
Xem thêm: