Ý nghĩa của giao thừa – Những đặc trưng phong tục của người Việt

Ý nghĩa của giao thừa – Những đặc trưng phong tục của người Việt

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới hay còn gọi là giao thừa mang ý nghĩa rất quan trọng với người Việt nói riêng và một số nước trong khu vực đón tết theo lịch âm nói chung. Đây là lúc đánh dấu sự khép lại của những gì đã qua trong năm cũ và một khởi đầu mới tốt đẹp hơn trong năm mới.

Cứ năm hết, tết đến là người người lại háo hức chuẩn bị cho những chuyến hồi hương. Cả một năm đi xa, đây là dịp hiếm hoi để tụ họp đầy đủ các thành viên trong gia đình. Những bữa cơm cuối năm thật ấm cúng, đây là dịp để mọi người chia sẻ với nhau về những buồn vui, thành công hay thất bại của một năm cũ. Với nhiều người, Tết vô cùng đặc biệt, năm nào vì điều kiện mà không vì thì năm đó xem như không có Tết.

Là người Việt, dù ở quê hương hay nơi đất khách quê người, ai ai cũng đón chờ khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng. Vào lúc 00:00 phút ngày 01/01 năm âm lịch được gọi là Giao thừa. Theo một số tài liệu, Giao thừa còn được gọi là đêm Trừ tịch – đêm đánh dấu cho một năm cũ kết thúc, năm mới đã đến.

NỘI DUNG CHÍNH

Ý nghĩa của giao thừa

Theo quan niệm của người xưa, giao thừa là thời gian để rũ bỏ những xui xẻo, ám vận cả năm, giúp tâm hồn được thanh tịnh loại bỏ muộn phiền, hy vọng vào một năm mới có nhiều đổi thay tốt hơn so với năm cũ.

Khoảnh khắc giao thừa luôn mang lại cảm giác bình an, hạnh phúc, ấm áp và tràn đầy năng lượng nhất. Dịp này tất cả các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng dâng hương lên tổ tiên và ăn bữa cơm đầu tiên của năm mới. Tùy theo phong tục của mỗi nơi mà món ăn đêm giao thừa là chay hoặc mặn.

Ngay sau khoảnh khắc đặc biệt này, người Việt sẽ thực hiện rất nhiều phong tục đã được lưu truyền từ nhiều đời nay.

Ý nghĩa của giao thừa - Những đặc trưng phong tục của người Việt

Một số phong tục truyền thống đặc trưng của người Việt

Mặc dù mỗi miền có một cách đón Tết Nguyên Đán rất riêng. Nếu như miền Nam chọn hoa Mai để chơi Tết thì miền Bắc có hoa đào. Nếu Tết miền Nam nhất nhất phải có canh khổ qua và thịt kho hột vịt thì miền Bắc lại có canh bóng thả, thịt đông,… Khác nhau về màu sắc ẩm thức, về cách chơi Tết nhưng những phong tục đặc trưng của người Việt trong ngày Tết thì đâu đâu cũng được thực hiện rất chỉnh chu.

Dưới đây là những việc không thể thiếu ngay sau khoảnh khắc giao thừa:

Cúng giao thừa

Cúng giao thừa là nghi lễ được thực hiện ngay khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Tất cả mọi gia đình đều chuẩn bị một mâm cứng thật đặc biệt, đầy đủ các món đặc trưng ngày tết của từng vùng miền để dâng lên tổ tiên, các vị thần linh đã bảo hộ cho gia đình trong năm cũ và “nhờ cậy” tiếp tục bảo hộ cho gia đình trong năm mới.

Mặc dù văn hóa thờ cúng của người Việt đã có nhiều thay đổi qua các thập kỷ, nhưng nghi lễ cúng giao thừa vẫn luôn được gìn giữ trọn vẹn vì nó mang ý nghĩa đem lại sự sung túc, bình an và đây là điều ai cũng mong muốn.

Thông thường, cúng giao thừa sẽ gồm 2 mâm, 1 mâm cúng ngoài trời và 1 mâm cúng trong nhà.

– Mâm cúng giao thừa ngoài trời:

Cúng giao thừa ngoài trời hay còn được gọi là mâm cúng nghênh Thái Tuế – 60 vị Thái Tuế ứng với Lục thập hoa giáp danh xưng. Ông cha ta quan niệm, mỗi năm thiên đình sẽ có sự thay đổi đối với bộ phận cai quản công việc giới hạ giới, nên đây được coi là nghi thức rất quan trọng trong đêm giao thừa.

– Mâm cúng trong nhà:

Cúng giao thừa gồm những gì? Mâm cúng trong nhà hay chính xác là cúng tổ tiên đêm giao thừa. Các gia đình sẽ chuẩn bị 1 mâm lễ sung túc gồm:

  • Mâm ngũ quả
  • Hoa tươi (9 bông)
  • Hương thơm
  • Gà luộc
  • Xôi
  • Bánh chưng
  • Gạo – muối – nước
  • Quần áo thần linh
  • Đinh tiền lễ

Đối với những gia đình theo Đạo Phật, mâm cúng gia tiên sẽ được thay thế bằng đồ chay. Một số nơi sẽ thay đổi đồ cúng tùy thuộc vào phong tục của vùng miền.

Ý nghĩa của giao thừa - Những đặc trưng phong tục của người Việt

Xông đất

Phong tục xông đất hay một số nơi gọi là “xông nhà”, “đạp đất”. Việc này sẽ được diễn ra ngay sau khoảnh khắc giao thừa, khi trời đất đã chính thức bước sang năm mới và hoàn tất việc cúng giao thừa.

Theo quan niệm của người Việt, người xông đất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các phong tục nhằm mang đến sự may mắn, tài lộc, sức khỏe cho gia đình. Đây là người đặt chân đến nhà đầu tiên vào ngày mùng 1 (sau giao thừa).

Hầu hết người xông đất đã được chủ nhà sắp đặt, nhờ cậy trước đó. Người này thường sẽ hợp tuổi với gia chủ, tính tình vui vẻ, niềm nở, gia đình thuận hòa, công việc khấm khá và dung mạo sáng sủa. Khi đến xông nhà có mang theo một ít bánh mứt và lì xì khi nhà có trẻ con.

Gia chủ sẽ đón tiếp người xông đất vui vẻ, nhiệt tình và chỉ nói những lời tốt đẹp.

Chúc tết

Sau khoảnh khắc giao thừa là lúc mọi người trong gia đình sẽ gửi đến nhau những lời chúc Tết ý nghĩa.

Bên mâm cơm giao thừa, thông thường các thành viên sẽ quây quần bên nhau, thụ hưởng lộc trong mâm cúng gia tiên, cùng nhau nói chuyện năm mới, nói về những dự định – mục tiêu của bản thân trong năm nay. Cũng thời điểm này, con cháu sẽ gửi lời chúc Tết đến ông bà – cha mẹ. Anh/chị/em sẽ chúc nhau một năm mới với những điều tốt đẹp nhất.

Không khí rộn ràng chúc Tết trong đêm giao thừa luôn là thời khắc ấm áp và hạnh phúc nhất của mọi gia đình.

Hái lộc

Ở rất nhiều nơi, người dân có phong tục đến đình, chùa thắp hương cầu mong may mắn cho năm mới và hái lộc mang về với hy vọng một năm mới nhiều tài lộc cho gia đình ngay sau thời khắc giao thừa.

Theo quan niệm của người xưa, hái lộc xuân từ những cây thuốc thuộc bộ tứ linh thực vật (đa, sung, sanh, si) sẽ mang đến cho mọi người những kết quả tốt đẹp nhất vì những cây này tương ứng với bộ tứ linh động vật (long, lân, quy, phụng) trấn ải vùng ngoại thất, còn những lộc hái từ những cây thuộc bộ tứ quý thực vật (tùng, cúc trúc, mai) ứng với tứ bình thuộc phạm vi nội thất.

Giao thừa trọn vẹn là gia chủ thực hiện đầy đủ các phong tục truyền thống của vùng miền trong sự đầm ấm, hạnh phúc, sum vầy của mọi thành viên trong gia đình. Dù có đi đâu, làm công việc gì, là ông này hay bà nọ thì Tết đến vẫn phải về nhà, về để cùng bên nhau trải qua khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ – năm mới và lấy động lực để tiếp tục phấn đấu.

Xem thêm: