07 điều cần biết trước khi tiêm vắc-xin Covid-19

07 điều cần biết trước khi tiêm vắc-xin Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhà nước đang nỗ lực hết sức trong việc huy động quỹ vắc – xin phòng Covid-19 và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân trên toàn quốc.

Tính đến cuối tháng 5/2021, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ gần 1,7 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho 63 tỉnh, thành phố chuẩn bị cho việc tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 3. Con số này sẽ còn được tăng nhanh trong tháng 6 và 7/2021.

Ở hầu hết các địa phương, công tác tiêm vắc – xin đang diễn ra khá thuận lợi, ý thức chấp hành của người dân khá cao. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn chưa thực sự hiểu và có những chuẩn bị tốt nhất cho trước và sau khi tiêm vắc – xin Covid-19.

Để chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe, đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm vắc-xin Covid-19, người dân nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản sau đây:

NỘI DUNG CHÍNH

Sàng lọc sức khỏe trước khi tiêm chủng

Tại Việt Nam đã có một số trường hợp sốc phản vệ và tệ hơn là tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng sẽ tỉ lệ thuận với số lượng vắc-xin sử dụng, vì vậy khi triển khai vắc-xin số lượng càng lớn thì số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng sẽ tăng lên.

Theo khuyến cáo của nhiều bác sĩ, người dân nên đến bệnh viện để khám tổng quát, phát hiện các bệnh lý nền trước khi tiêm vắc-xin Covid-19. Vắc-xin này không chống chỉ định với các trường hợp có bệnh lý nền như: tiểu đường, tăng huyết áp…

Với người có các bệnh lý nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định là một trong những yếu tố cần thận trọng khi tiêm chủng, những đối tượng này cần được tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện nếu đủ điều kiện tiêm chủng.

Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để có sức khỏe tốt nhất

Vắc xin phòng Covid-19 đều đã được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn uống bình thường và có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp lý sẽ hỗ trợ tốt cho nhu cầu của cơ thể, kể cả trước và sau khi tiêm vắc xin.

Trước khi đi tiêm khoảng 20 – 45 ngày, nên:

  • Giữ cho cơ thể đủ nước
  • Tăng cường bổ sung thêm các loại thực phẩm nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe
  • Chú ý rèn luyện thể dục, thể thao
  • Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, duy trì chế độ sinh hoạt khoa học
  • Chuẩn bị sẵn sàng thức ăn sau khi tiêm vắc xin (chuẩn bị sẵn một số thực phẩm dễ tiêu hóa như: sốt táo, súp rau, gạo lứt, dưa, khoai tây…)

Xác định hình thức tiêm vắc-xin Covid-19

Nghị quyết số 21 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/2/2021, sẽ có 3 nguồn kinh phí khi tiêm vắc-xin:

  • Ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước: Đảm bảo cho nhu cầu công tác phòng, chống dịch Covid 19 và phát triển kinh tế xã hội
  • Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác
  • Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả

Người dân hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức tiêm dựa vào điều kiện kinh tế và nhóm đối tượng ưu tiên. Trước khi được tiêm chủng miễn phí hàng loạt, người dân vẫn có thể chủ động tiêm chủng nếu đăng ký được ở nơi uy tín, đã được bộ y tế cấp phép.

07 điều cần biết trước khi tiêm vắc-xin Covid-19

Chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết

Hồ sơ đi tiêm vắc-xin covid-19 gồm:

  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế
  • Hồ sơ khám sức khỏe gần nhất (nếu có)
  • Phiếu tiêm các vắc xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc,… sử dụng trong thời gian gần đây.

Tiến hành khai báo y tế trung thực, đầy đủ

Người dân đi tiêm vắc-xin phải chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như:

  • Tình trạng sức khỏe hiện tại
  • Các bệnh mạn tính đang được điều trị
  • Các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây
  • Tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào
  • Nếu lần tiêm thứ 2, bạn nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm vắc xin trước
  • Tình trạng nhiễm vi rút hoặc mắc Covid-19 (nếu có)
  • Các loại vắc xin được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua
  • Tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu đối tượng là nữ và trong độ tuổi sinh đẻ)?

07 điều cần biết trước khi tiêm vắc-xin Covid-19

Tuân thủ quy định 5K khi đến nơi tiêm chủng

  • KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
  • KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
  • KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
  • KHÔNG TỤ TẬP đông người.
  • KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ

Tìm hiểu trước các triệu chứng phụ sau khi tiêm vắc – xin

Tùy thuộc vào cơ địa, sức khỏe của mỗi người mà các tác dụng phụ có thể ít hoặc nhiều khác nhau.

– Tác dụng phụ trên cánh tay nơi được tiêm:

  • Đau
  • Mẩn đỏ
  • Sưng tấy

– Tác dụng phụ trên các phần còn lại của cơ thể:

  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Buồn nôn

Nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu có các phản ứng xảy ra sau tiêm chủng. Khi về nhà, nên chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 3 tuần kể từ thời điểm tiêm vắc xin.

Lưu ý: người dân đã tiêm vắc-xin vẫn không nên chủ quan mà phải thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch. Do virut covid-19 đang có những biến chủng phức tạp, nên rất khó để lường trước được hệ lụy chúng có thể gây ra.

42 Responses to "07 điều cần biết trước khi tiêm vắc-xin Covid-19"

Comments are closed.